Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015


5 yếu tố chi phối năng lực sáng tạo


Sáng tạo như một cơ bắp, không phải là một năng lực được Chúa trời ban phát riêng cho một vài người nhất định. Chúng ta có thể rèn luyện để sức sáng tạo được phát triển mỗi ngày.
Quan điểm trên được Huân tước David Puttnam, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh cho Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện nhấn mạnh trong buổi giao lưu "Ngành công nghiệp sáng tạo - Các cơ hội dành cho Việt Nam" do Hội đồng Anh và Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo tổ chức sáng 30/1.







Bằng kinh nghiệm giảng dạy tại 4 quốc gia Úc, Singapore, New Zealand và Anh, Huân tước David Puttnam cho biết, có 5 yếu tố chính cấu thành nên năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân gồm: sự tập trung, trí tưởng tượng, sự phối hợp, sự kiên định và sức bật.

1. Trí tưởng tượng

Sức mạnh của trí tưởng tượng là cho phép con người nhìn thấy những viễn cảnh xa xôi hơn hơn sự thật đang diễn ra trước mắt. Trí tưởng tượng gợi mở cho mỗi cá nhân những ý tưởng để cách tân trong công việc. Vì vậy theo Huân tước, trí tưởng tượng là điều cốt lõi trong sáng tạo.

Hãy luyện tập mỗi ngày bằng cách giải phóng trí tưởng tượng của bản thân. Giống như cơ bắp, khi chúng ta đều đặn luyện tập, thói quen tưởng tượng sẽ dần được hình thành và trở nên mạnh mẽ.

2. Sự kiên định

Để trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn cần 1.000 giờ để luyện tập công việc mình giỏi nhất. Song để trở thành một nhân vật kiệt xuất, bạn cần phải luyện tập 10.000 giờ cho công việc đó.

Theo David Puttnam, luyện tập là cách duy nhất để đưa một cá nhân bình thường trở thành một người có năng lực sáng tạo mạnh mẽ.

"Những người giỏi nhất tôi từng làm việc cùng đều là những người làm việc chăm chỉ. Họ kiên trì luyện tập để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của bản thân", David Puttnam chia sẻ.

3. Sức bật

Nếu bạn chọn trở thành một con người sáng tạo, bạn sẽ luôn nhận được sự phán xét, đánh giá từ phía cộng đồng, vì các ý tưởng của bạn thường đi quá những giới hạn, lẽ thường mà mọi người hay chờ đợi.

"Vậy thì chúng ta phải luôn luôn biết chấp nhận những sự phán xét đó và vượt qua nó để hoàn thiện ý tưởng sáng tạo của mình", Huân tước nói.

Theo ông, khi chúng ta nghe những lời chỉ trích thì chúng ta phải tỉnh táo nhận ra đâu là những lời chỉ trích có ích.

Khi còn trẻ, Huân tước đã làm việc với người thầy mà ông vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ. Trong quá trình làm việc, người thầy này luôn chỉ trích những tác phẩm Huân tước tạo ra. Điều này đã tạo thành động lực để Davis Puttnam liên tục rà soát lại các tác phẩm của mình và tìm cách làm cho nó tốt hơn.

Một lời chỉ trích có ích là lời chỉ trích thúc đẩy bạn phải "đào đi đào lại ý tưởng của mình để tự tìm ra khuyết điểm và tự cải thiện chúng".

4. Sự tập trung

Yếu tố thứ tư tác động đến năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân chính là môi trường mà các cá nhân đó làm việc.

Không phải lúc nào bạn cũng ở trong một môi trường làm việc lý tưởng, vì vậy theo David Puttnam, mỗi cá nhân phải kiểm soát được khả năng tập trung của bản thân trong những môi trường bất lợi về ánh sáng, âm thanh, không khí...

Nếu chúng ta không kiểm soát tốt sự thích ứng với môi trường làm việc, chúng ta sẽ không có khả năng tập trung để tạo ra bất cứ thứ gì cả.

5. Sự hợp tác

Huân tước cho rằng sức mạnh của năng lượng sáng tạo sẽ được tăng lên vượt trội khi chúng ta kết hợp được sức sáng tạo của tất cả các cá nhân trong một tập thể.

Điều này đòi hỏi khả năng lãnh đạo của người đứng đầu. Người lãnh đạo phải thống nhất được tầm nhìn chung của tập thể và khơi gợi cho từng cá nhân vượt lên giới hạn suy nghĩ của mình và kết hợp những ý tưởng nổi bật đó lại.

Trên hết, Huân tước nhấn mạnh: "Để làm được điều đó thì chúng ta phải có niềm tin vào điều mình đang làm, một niềm tin thực sự có căn cứ. Nếu chúng ta không có được lòng tin 100% vào bản thân mình thì đến một ngày nào đó chúng ta sẽ buộc mình phải chấp nhận phán xét của người khác và nằm trong giới hạn mà mọi người đã vạch ra đó".


Sưu tầm

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015


Trí Tuệ Xúc Cảm yếu tố quan trọng để thành công




Trong cuộc sống, bạn có thể đã từng gặp những người có kỹ năng giao tiếp rất tốt. Trong mọi tình huống, họ dường như luôn biết cách cư xử khéo léo để chúng ta không cảm thấy bị xúc phạm hoặc bực bội. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta không tìm ra giải pháp cho vấn đề, họ cũng làm chúng ta cảm thấy lạc quan và có thêm niềm tin.


Cũng có khi bạn gặp những “bậc thầy” trong việc điều khiển cảm xúc. Khi phải làm việc dưới áp lực, họ không cáu giận mà có khả năng nhìn thẳng vào vấn đề và bình tĩnh tìm ra giải pháp. Họ là những người có khả năng ra quyết định đúng đắn và biết khi nào có thể tin vào trực giác của mình. Họ luôn sẵn lòng thừa nhận những nhược điểm của mình và biết tiếp thu những lời phê bình để phát triển bản thân.


Có điểm gì chung giữa những người đề cập ở trên? Đó là họ đều giàu trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence). Họ hiểu rất rõ về bản thân và có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác.


Ngày nay, cũng như năng lực chuyên môn, trí tuệ cảm xúc càng lúc càng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của con người trong sự nghiệp. Những nhà tuyển dụng có xu hướng sử dụng chỉ số trí tuệ cảm xúc như một tiêu chí đánh giá năng lực con người khi tuyển dụng và đề bạt.


Vậy trí tuệ cảm xúc là gì và làm sao để nâng cao trí tuệ cảm xúc?


Trí tuệ cảm xúc là gì?


Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa của chúng và nhận ra tác động của chúng đối với những người xung quanh. Trí tuệ cảm xúc bao hàm cả việc nhận thức người khác: khi bạn hiểu cảm xúc của mọi người, bạn sẽ kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn.


Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường thành công trong cuộc sống vì họ làm người xung quanh cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với họ. Khi họ gửi e-mail, mọi người thường trả lời ngay. Khi họ cần giúp đỡ, họ sẽ dễ dàng nhận được. Chính vì thế, cuộc sống của người giàu trí tuệ cảm xúc thường dễ chịu hơn những người dễ cáu giận bực bội.


Đặc điểm của trí tuệ cảm xúc


Theo Daniel Goleman, một nhà tâm lý học người Mỹ, trí tuệ cảm xúc có 5 đặc điểm sau:

1. Hiểu rõ chính mình

Những người giàu trí tuệ cảm xúc hiểu rõ cảm xúc của mình nên không bao giờ để chúng chế ngự. Đồng thời, họ cũng rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết đâu là điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy hoặc khắc phục, nhờ vậy họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng sự hiểu rõ bản thân chính là thành tố quan trọng nhất của trí tuệ cảm xúc.


2. Kiểm soát bản thân


Những người có khả năng kiểm soát bản thân thường không để mình nổi giận hoặc nảy sinh lòng ghen tỵ thái quá, và họ cũng không ra những quyết định ngẫu hứng, bất cẩn, mà luôn nghĩ suy nghĩ trước khi hành động. Nhờ biết kiểm soát bản thân, họ luôn suy nghĩ chín chắn, thích ứng tốt với sự thay đổi, chính trực và biết nói “không” khi cần thiết.


3. Giàu nhiệt huyết

Những người giàu trí tuệ cảm xúc thường làm việc rất tận tụy, với hiệu quả cao. Họ sẵn lòng hy sinh thành quả trước mắt để đạt được thành công lâu dài. Họ thích được thử thách và luôn làm việc một cách hiệu quả.


4. Biết cảm thông

Đây có lẽ là thành tố quan trọng thứ hai của trí tuệ cảm xúc. Cảm thông là việc bạn đồng cảm và hiểu được ước muốn, nhu cầu và quan điểm của những người sống quanh bạn. Những người biết cảm thông thường rất giỏi trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác, kể cả những cảm xúc tinh tế nhất. Nhờ vậy, họ luôn biết cách lắng nghe người khác và thiết lập quan hệ với mọi người. Họ không bao giờ nhìn nhận vấn đề một cách rập khuôn hay phán đoán tình huống quá vội vàng. Họ luôn sống chân thành và cởi mở.


5. Kỹ năng giao tiếp
Thật là thoải mái khi được tiếp xúc với những người giỏi giao tiếp – một đặc điểm khác của trí tuệ cảm xúc. Những người giỏi giao tiếp thường có khả năng làm việc nhóm tốt. Họ quan tâm đến việc giúp người khác phát triển và làm việc hiệu quả hơn là thành công của chính mình. Họ biết cách tranh luận hiệu quả và là những bậc thầy trong việc thiết lập và duy trì quan hệ xã hội.


Như vậy, trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng để giúp bạn đạt đến thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong sự nghiệp. Quản lý con người và các mối quan hệ là kỹ năng quan trọng của mọi nhà lãnh đạo, vì thế nâng cao và vận dụng trí tuệ cảm xúc trong công việc là một cách thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn. Vậy đâu là phương cách tối ưu để bạn có thể tích lũy và nâng cao dạng trí tuệ đặc biệt này của mình?



Sưu tầm



10 bài học từ những thất bại kinh doanh thảm hại trong lịch sử



Những bài học này được rút ra từ "vết xe đổ" trong quá khứ của hàng trăm ban quản trị và các nhà lãnh đạo.



Thất bại sẽ cho ta những bài học có giá trị nhất. Tuy vậy, trong kinh doanh, thất bại đôi khi sẽ phải trả những cái giá quá đắt. 10 bài học dưới đây được rút ra từ những thất bại kinh doanh trong quá khứ qua khảo sát của hàng trăm ban quản trị và các nhà lãnh đạo.



1. Tập trung vào thương hiệu cá nhân làm cả công ty sụp đổ
Carly Forina tới Hawlett Packerd (HP) như một người nổi tiếng. Bà sử dụng sự ủy quyền để làm nên sự thay đổi lớn phù hợp với hình ảnh công chúng của bà. Điều này dẫn tới những quyết định thiếu suy nghĩ thấu đáo và mọi thứ đều bị bỏ lại sau lưng khi bà đưa ra các bài phát biểu. Bà đã đặt cái tôi lên trên lợi ích của công ty.

Lãnh đạo tốt nhất phải là người làm nên công ty chứ không phải làm nên chính bản thân người đó.

2. Đối xử với nhân viên như những đứa trẻ sẽ khiến họ thụt lùi và đứng nhìn bạn vấp ngã

Jill Barad trở thành CEO nữ đầu tiên của Barbie nhờ vào sự tập trung cao độ vào từng tiểu tiết, một điều rất tuyệt vời đối với một giám đốc sản xuất. Tuy nhiên, khi bà tiếp tục làm những điều tương tự như vậy một mình và từ chối ý kiến của các đại diện, công nhân và nhân viên làm việc trở nên kém hiệu quả hơn và bà đã thất bại thực sự năm 2000.

Quản lí vĩ mô và tích trữ quyền lực là một trong những con đường chắc chắn gây ra thất bại.

3. Tránh xung đột sẽ khiến con người thụ động
Ý kiến về một nơi làm việc không tưởng mà không có xung đột thực sự rất hấp dẫn. Tuy vậy, thực hiện điều đó lại dường như quá khó khăn giống như đối mặt với kẻ thù. Không xung đột đồng nghĩa với việc các lỗi sai sẽ bị che giấu, các vấn đề bị lảng tránh và mọi người sẽ trở nên thụ động. Mọi thứ trở nên hòa hợp nhưng xét tổng thể thì đó lại là điều bất thường.

Người đứng đầu của Mills, ông Daniel Feurstein nhận được sự hoanh nghênh vì tiếp tục trả lương đầy đủ cho nhân viên dù nhà máy bị thiêu hủy. Chiến lược dù rất tốt nhưng công ty đã bị nợ nần chồng chất dẫn tới phá sản.

4. Đừng thử quá nhiều thứ, bạn sẽ làm khách hàng băn khoăn

Kmart là chuỗi giảm giá quốc gia đầu tiên và thu về khá nhiều thành công. Sau đó, nó bắt đầu nỗ lực thu hút những khách hàng giàu hơn.

Những năm 2000, KMart tập trung vào sự phân biệt, thu hút người tiêu dùng thời trang hơn. Kmart cố làm cả hai điều đó nên thương hiệu trở nên loãng, khách hàng của họ băn khoăn và cuối cùng thì tập đoàn mất thị phần dẫn tới sự phá sản năm 2002.

Mở hai doanh nghiệp cùng lúc sẽ đánh mất sự chú ý của khách hàng và dẫn tới mất khách.

5. Đổi mới trong nội bộ trước

Cựu giám đốc điều hành của Caterpillar George Schaefer nhận thấy họ đã dẫn đầu thế giới trong sản xuất. Ngành kinh doanh chính của họ đưa cho họ rất nhiều kinh nghiệm hậu cần và họ biến những ý kiến chuyên môn ấy thành các công ty con thành công.

- Nơi đầu tiên bạn nên cách tân chính là nội bộ.

- Dừng lại trước khi nhìn ra bên ngoài.

- Đưa chất lượng tốt nhất tới cực đại.

6. Đừng cắn câu và để công ty khác điều khiển chiến lược của bạn

Coca Cola bị cuốn vào một trong những thất bại kinh doanh thảm hại nhất trong lịch sử bởi Pepsi. New Coke đã bị Pepsi Challenge đánh bại bởi chiến dịch chọn ra hượng vị nào được nhiều người yêu thích hơn. Sợ rằng sẽ lỗi thời, New Coke đã bị cuộc thử nghiệm đó làm cho mù quáng và thay đổi công thức. Đây được coi là sai lầm kinh doanh lớn nhất trong lịch sử.

Những nhà lãnh đạo biết rằng, dành quá nhiều tiền nhìn xa hơn mức cho phép có thể quên đi những điều làm nên sự thành công.

7. Không ngừng phát triển ý tưởng mới và như thế bạn sẽ không phải gắn liền với những ý tưởng tồi

Richard Branson luôn nói “có”, nhưng thường là với những điều đúng. Ông có một loạt các quyển sổ để ghi chép và liên tục đưa ra những ý tưởng mới vì thế mà ông có thể lên kế hoạch và thực hiện những điều có thể làm thay vì thực hiện điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ.

- Xác định rõ công ty của bạn dựa theo nhu cầu và giá trị thay vì các sản phẩm.

- Không ngừng theo đuổi cơ hội.

- Chắc chắn rằng một sự lựa chọn phải có chiến lược đi kèm thực sự có hiệu quả.

8. Học cách nói không với đôla

Giám đốc điều hành của LA Gear phát triển công ty của ông từ 11 USD thành 820 triệu USD doanh thu chỉ trong vòng 4 năm bằng cách tập trung vào những chiếc giày độc đáo nhưng hợp thời. Nhưng việc theo đuổi những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn đã giết chết công ty.

Họ bán những sản phẩm thừa với giá giảm thấp chưa từng có khiến danh tiếng công ty bị hạ thấp, đầu tư quá nhiều tiền vào giày chơi bóng rổ và cung cấp giày rẻ tiền ở Wal Mart. Vị giám đốc không thể nói không với việc theo đuổi nhiều tiền hơn và đã phải trả giá cho điều đó.

Khả năng nói không với những cơ hội sinh lời là một trong những đặc điểm quan trong mà một người lãnh đạo cần có.

9. Đừng để cái tôi khiến bạn không nhận ra đâu là lúc thích hợp để dừng

New Corp đã chi 580 triệu USD vào MySpace năm 2006 và rót vào rất nhiều tiền để đầu tư trong nhiều năm vì nó đã bị chia thị trường với Facebook. Cuối cùng thì MySpace chỉ được bán với giá 34 triệu USD.

Ý tưởng trở thành người đầu tiên và ý tưởng của việc thay đổi hoàn toàn đầy cám dỗ nhưng những nhà lãnh đạo tài ba sẽ phải học để biết khi nào nên dừng lại khi thất bại.

10. Đừng lờ đi ngành kinh doanh chính đã mang lại bộn tiền cho bạn

Netscape tạo ra một trong những trình duyệt web đầu tiên và phổ biến nhất thế giới. Công ty thường xuyên nhín về phía trước và vượt quá khuôn khổ thông thường. Netscape đầu tư để tạo ra một ngôn ngữ lập trình hoàn toàn mới từ vạch xuất phát.

Người sáng lập Mark Andreesen đã lờ đi mỏ kim cương ngay trong công ty, điều mà sau này ông ta cho là “sai lầm triệu đô”.

Có lí do để các doanh nghiệp và thương hiệu nào đó thành công trong từng lĩnh vực riêng. Đôi khi, sai lầm của các lãnh đạo giỏi là quên đi điều đó


Sưu tầm

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

3 VIỆC BẠN CÓ THỂ LÀM TRƯỚC KHI NGỦ ĐỂ “HACK” SỰ SÁNG TẠO
Ngủ là một trạng thái tự nhiên của con người nên hầu hết chúng ta không nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ trong quá trình tái tạo não và phát triển trí tuệ. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn đang miệt mài trong việc nghiên cứu giấc ngủ của con người từ đó phát hiện ra nhiều điều thú vị và bí ẩn. Trong bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ ba bí quyết thông qua giấc ngủ để giúp bạn cải thiện được sự sáng tạo của bạn.

Bạn đã bao giờ tỉnh dậy khỏi giấc mơ và ước mình có thể ở trong đó lâu hơn, vì khi mơ bạn đã tìm ra những giải pháp và ý tưởng hấp dẫn cho những câu chuyện rất thực ngoài đời mà bạn đang gặp phải? Tin vui cho bạn đây, khoa hoc đã chứng mình rằng điều này hoàn toàn có thể thực hiện.


Những gì bạn làm trước khi đi ngủ có thể đóng vai trò quyết định trong việc sáng tạo của bạn khi bạn đang tỉnh táo.Các nhà tâm lý học từ Đại học California, San Diego tìm ra rằng trạng thái REM ( rapid eye movement) - trạng thái ngủ động mắt nhanh giúp cải thiện quá trình sáng tạo hơn các trạng thái khác như lúc vào giấc hay lúc lơ mơ tỉnh. Và thường thì các giải pháp cho các vấn đề đau đầu trong ngày của chúng ta hay xuất hiện trong giấc ngủ bởi một hiện tượng mà các nhà khoa học nghiên cứu về nhận thức gọi là “nhận dạng mẫu” (pattern recognition)


Việc này xảy ra khi não bộ ở trong trạng thái đủ thư giãn để nhận ra những mối liên kết mới – hiện tượng này được biết đến là tính mềm dẻo của não. Điều này giải thích vì sao những ý tưởng lớn thường tới với bạn khi đang tắm, đang đi bộ, chuẩn bị chợp mắt hoặc thậm chí ngay cả khi đang say giấc ngủ. Tại những thời điểm này, tâm lý của chúng ta đang ở trạng thái thư giãn, cho phép não bộ hình thành các liên kết mới.


Não bộ sử dụng 2 hệ thống nhận dạng mẫu riêng biệt – một hệ thống bên ngoài và một hệ thống bên trong, như Steven Kotler viết trong tờ Psychology Today. Hệ thống bên ngoài phụ thuộc vào logic và quy luật và gắn liền với ý thức lý trí của chúng ta, có thể được giải thích, diễn tả bằng từ ngữ và lời nói. Mặt khác, hệ thống bên trong lại phụ thuộc vào bản năng, kĩ năng và kinh nghiệm. Bạn không thể mô tả chúng bằng lời. Kotler giải thích:


Khi áp dụng hệ thống bên ngoài, các nơ-ron đang liên kết với nhau, chúng thường ở gần nhau ( về khoảng cách). Trong khi hệ thống bên trong làm việc thì những góc xa nhau của não nói chuyện với nhau. Quá trình sáng tạo xảy ra khi các mạng lưới bên trong rộng lớn đó tìm được cách sắp xếp các thông tin cũ nhưng theo cách mới.


Nhưng làm sao bạn có thể tối ưu giấc ngủ để đột nhập vào trí tuệ sáng tạo của mình? Có những điều bạn có thể làm trước khi đi ngủ để giúp bạn đạt được điều này. “Bí quyết, nếu có, chỉ là làm sao bạn có thể thư giãn đủ để hệ thống bên trong hoạt động,” Kotler nói. “Đây là cách đột nhập trí não đơn giản được những người sáng tạo sử dụng.” Dưới đây là 3 cách để đạt được điều đó.









Tìm cảm hứng trong cuốn sách gối đầu giường


Nghiên cứu chỉ ra rằng trí nhớ hoạt động tốt nhất khi bạn học điều đó ngay trước khi đi ngủ. Hãy lấp đầy não bạn với những cảm hứng và ý tưởng mới trước khi đi ngủ và bạn có thể cho trí não của mình làm việc khi bạn đang ngủ.


Đọc trước khi ngủ - dù là tiểu thuyết, sách kinh doanh, hoặc một thứ gì đó gây cảm hứng và cung cấp thông tin cho công việc của bạn là một cách hiệu quả để chuẩn bị não bạn thật tốt cho những suy nghĩ sáng tạo của ngày hôm sau. Bạn có thể sẽ tỉnh dậy với một ý tưởng hoàn toàn mới mà bạn chưa từng nghĩ đến khi đi ngủ vào đêm hôm trước.


Tự hỏi mình những câu hỏi bạn đang muốn trả lời

Khi bạn chuẩn bị đi ngủ hoặc nằm xuống và tắt điện – hãy hỏi chính mình những câu hỏi mà bạn đang vật lộn trong công việc sáng tạo của mình. Bạn có thể nói thành lời hoặc tự hỏi trong đầu. Vì “Đặt câu hỏi cho hệ thống bên trong thực ra rất dễ dàng,” Kotler viết. “Do đó hỏi thành lời hoặc hỏi trong đầu đều không quan trọng.”


Kích thích não của bạn nghĩ về một vấn đề thử thách ngay trước khi đi ngủ có thể giúp hệ thống bên trong được thúc đẩy theo đúng hướng. Bí quyết là hãy làm điều gì đó khiến bạn quên đi câu hỏi - đọc hoặc có thể là tập trung vào nhịp thở - để giúp phần não bộ làm việc yên lặng ở phía sau tăng tốc.


Khuyến khích trạng thái làm chủ giấc mơ


Làm chủ giấc mơ là mơ trong khi bạn biết sự thật là mình đang mơ. Tại sao việc này lại giúp đột nhập vào trí tuệ sáng tạo của mình? “Bạn có thể ở trong mơ và bằng cách nào đó khám phá những sự thật bất khả thi,” theo nhà tâm sinh lý học và chuyên gia về làm chủ giấc mơ, Stephen LaBerge.


Để đạt được trạng thái làm chủ giấc mơ cần luyện tập và luyện cho não bạn nhận thức được khi nào mình đang mơ. Một vài cách để làm việc này đó là dành cả một ngày để tự hỏi bản thân rằng liệu bạn có đang mơ, điều này giúp tiềm thức của bạn nhớ đặt câu hỏi khi bạn đang mơ thực. Thức dậy vào giữa đêm, nhớ giấc mơ mà bạn vừa mơ và đi ngủ tiếp, ý thức được rằng bạn vừa mơ cũng có thể giúp bạn đạt được trạng thái làm chủ giấc mơ. LaBerge gọi những bước này là kỹ thuật ký ức cảm ứng (mnemonic introduction of lucid dreaming) hay kỹ thuật MILD.


“Điều này sẽ cho bạn sự tự do,” ông nói về trạng thái làm chủ giấc mơ. “Bạn sẽ không bị hạn chế bởi những quy luật vật lý và xã hội hay những ràng buộc bên ngoài khác như khi bạn đang thức. Trong mơ, bạn chỉ bị giới hạn bởi những hạn chế bởi trí não của mình mà thôi.”



Sưu tầm
Wlike.vn

5 BƯỚC DỄ DÀNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG SÁNG TẠO

Những bài học dưới đây từ nhà thiết kế Jules Pieri sẽ giúp bạn nảy ra những ý tưởng ngay lập tức.

Việc công ty vốn mạo hiểm tại Silicon Valley, Kleiner Perkins, tuyển dụng nhà thiết kế huyền thoại John Maeda với tư cách đối tác được các nhà đầu tư coi là một động thái có phần muộn màng. Bởi vì những kiến thức về thiết kế của Maeda sẽ đóng vai trò là liên kết vô cùng quan trọng giữa đầu tư mạo hiểm và cộng đồng thiết kế đồng thời chứng minh rằng những nhà thiết kế ngày nay đang được nhìn nhận như là chìa khóa trong việc tạo ra toàn bộ trải nghiệm cho khách hàng.


Việc cải tiến thiết kế sẽ tác động đến doanh nghiệp ở mọi cấp độ, đặc biệt là với chủ doanh nghiệp. Bởi vì họ hiểu rằng cải tiến kỹ thuật cộng với thiết kế ưu việt sẽ giúp tạo ra thế hệ những sản phẩm thành công.

Là nhà thiết kế công nghiệp đầu tiên theo học Trường Harvard Business, Jules Pieri đã phát triển ra 5 cách thành công để đánh thức sức sáng tạo trong bất kì ai, thậm chí là người kém sáng tạo nhất.

1. “Đi theo” khách hàng.
Có thể bạn đã làm nghiên cứu và phân tích về khách hàng, mức độ cạnh tranh trên thị trường và năng lực nội bộ của công ty mình. Tuy nhiên đối với một nhà lãnh đạo nhạy bén và có khả năng sáng tạo cơ bản, thì không mất nhiều thời gian để phát hiện xu hướng trong suy nghĩ của khách hàng. Nhưng đối với những người vốn kém sáng tạo, thì việc tạo mối liên hệ trực tiếp với người dùng là vô cùng cần thiết để dành được lòng tin của mọi người trong nhóm trước khi bắt tay vào thực hiện bất cứ ý tưởng nào về sản phẩm.

Những ý tưởng thực sự đột phá sẽ xuất hiện khi quan sát kỹ lưỡng một khách hàng và điều này thì không thể có được khi mà bạn chỉ ở sau màn hình máy tính mà phân tích họ. Rất nhiều lãnh đạo trẻ, đặc biệt những người có hiểu biết về công nghệ, thường sai lầm khi cho rằng có thể phân tích dữ liệu khách hàng một cách dễ dàng và đơn giản bằng chính những công nghệ máy tính bây giờ. Không điều gì có thể đáng giá với khách hàng hơn trải nghiệm thật sự. Bạn phải hiểu rằng không có giá trị hơn mối quan hệ gần gũi mà bạn xây dựng được với khách hàng của mình và biết được chính xác những điều mà đối thủ cạnh tranh đã bỏ qua. Vì vậy, hãy lao ra ngoài, đi lại trên vỉa hè và làm quen với khách hàng của mình.

2. Hãy đi từng bước một

Điều này có thể ngược với tất cả những gì bạn đã nghĩ, nhưng những người sáng tạo thực sự rất đề cao tính kỷ luật. Vì thế hãy đặt ra những quy định rõ ràng và những mục tiêu khả thi cho bạn hoặc nhóm của bạn. Những tham vọng xa xôi như "giành được thêm 20% thị phần" hay "giành thế áp đảo trong ngành và sự bàn tán PR" là những điều rất khó thực hiện và thậm chí sẽ làm mọi người trong nhóm nhụt chí. Những mục tiêu mơ hồ có thể khiến những ai có suy nghĩ phân tích rành mạch cảm thấy khó chấp nhận bởi họ cần thấy mục tiêu rõ ràng, thực tế trong một dự án. Vạch sẵn ranh giới cũng như là mục tiêu để sau này khi đánh giá các phương án, bạn biết rõ thứ mình muốn đạt được và thứ mình cần tránh. Lúc này thì, một ý tưởng và lộ trình thành công khi đó có thể dễ dàng được xác định.

Khi làm việc tại Playskool, một dự án đã được triển khai để cập nhật ngôn ngữ hình tượng cho một dòng sản phẩm, Jules Pieri đã cho những nhà thiết kế biết mục tiêu của mình. Đầu tiên là tăng cường kết nối với trẻ nhỏ thông qua phong cách thiết kế hiện đại sau đó tạo ra một nhận diện hình ảnh độc đáo hơn. Tuy nhiên Jules cũng yêu cầu họ phải tôn trọng tiêu chuẩn thiết kế công nghiệp và bao bì đóng gói đang sử dụng, tỷ lệ và khối lượng yêu cầu, và phải làm việc trong giới hạn của những ngôn từ diễn đạt cảm xúc về thương hiệu. Nếu mới chỉ đọc những mục tiêu đầu tiên họ có thể đã cho rằng mình có toàn quyền sáng tạo, tuy nhiên họ sẽ không biết liệu họ có thành công trong việc hoàn thành mục tiêu dự án tổng thể hay không.

3. Cân nhắc về những gì không có hiệu quả với bạn

Mọi công ty hoặc sản phẩm có tính đột phá là kết quả của sự giao thoa giữa công nghệ, con người/hành vi khách hàng và xu hướng văn hóa. Rất nhiều thương hiệu tên tuổi hiện nay đều được tạo ra chủ yếu bởi các nhà thiết kế và những người không có hiểu biết về kỹ thuật: AirBnB, 23andMe, IndieGoGo, Pinterest, eBay, Amazon, and Nest. Những công ty này đều có điểm chung là họ bắt đầu khi "Chúng ta không nhìn thấy ai đang..." hoặc "Tôi đã rất muốn làm XYZ nhưng không tìm được công ty để hiện thực hóa nó."

Điều khác biệt trong mỗi công ty kể trên là những người sáng lập chúng nhìn ra khoảng trống mở ra do sự chuyển đổi về năng lực và nhu cầu của con người. Từ đó, họ đã tận dụng được những khoảng trống cơ hội này để tạo ra thành công cho mình.

4. Tạm thời từ bỏ việc suy nghĩ có lý trí

Trong một chuỗi các khoảng thời gian ngắn, hãy cho phép bản thân phác thảo hoặc mô tả một loạt các ý tưởng. Sử dụng những tờ giấy khổ to hoặc giấy ghi nhớ và dán lên tường những suy nghĩ hoặc bản vẽ của mình. Cố gắng làm mọi thứ thật nhanh nhưng đừng đánh giá quá sâu hay đừng yêu thích mọi thứ. Có một lý do tại sao những nhà thiết kế có giai đoạn dài dành cho "sa-rớt (charette)" và "phản biện (critique)" khi theo đuổi một dự án. Họ tiếp nhận mọi ý kiến và thông tin mà họ cho rằng chúng hợp lý và sau đó sử dụng chúng như bàn đạp cho các ý tưởng của mình. Đó là lý do tại sao họ không hề sợ các tờ giấy trắng khổ to vì dường như họ luôn có thể sản sinh ra ý tưởng ngay lập tức để lấp đầy nó.

Khi Jules Pieri còn là một nhà thiết kế, bà thường lấy những tóm tắt chi tiết của một dự án vào thứ sáu và ấp ủ nó trong vòng ít nhất 2 ngày cuối tuần. Jules cần cảm nhận vấn đề trước khi khởi tạo bước đầu tiên của việc nghiên cứu. Điều này cho phép não của bà được kích hoạt và nó vô cùng quan trọng để sáng tạo.

5. Trình bày ý tưởng của bạn với mọi người.

Quay trở lại mục tiêu ban đầu với những quy ước đã đặt ra và làm một bản đánh giá toàn diện những ý tưởng bạn đã phác thảo. Bạn có thể kéo thêm một vài thành viên đáng tin trong đội cùng tham gia nếu cần, để tránh những sai lệch mang cảm tính cá nhân và xác định xem ý tưởng nào có khả năng phù hợp với doanh nghiệp và giới hạn dự án. Sau đó phát triển những ý tưởng đó (bằng từ ngữ hoặc hình ảnh) thành thứ mà bạn có thể dùng trong giai đoạn phản biện cùng với những thành viên có liên quan trong đội. Hãy gắn chúng lên tường và trình bày từng ý tưởng với cả nhóm. Sau đó, lắng nghe ý kiến phản hồi và lựa chọn những ý kiến có ích cho sự phát triển chúng.

Khi kết thúc quy trình trên (thường không mất quá một tháng), bạn sẽ có một loạt các ý tưởng khả thi để phát triển chúng. Quy trình này có thể biến mọi người - dù có phải nhà thiết kế hay không - trở thành một nhà sản xuất ý tưởng tuyệt vời. Và rất ít doanh nghiệp có thể thành công mà thiếu nó.


Sưu tầm
Wlike.vn


Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015


10 LỜI KHUYÊN GIÚP PHÁT HUY KHẢ NĂNG SÁNG TẠO TRONG CÔNG VIỆC


Sự đột phá ngày nay được coi là bí quyết thành công của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với nhiều công ty, khi theo đuổi những ý tưởng đột phá, họ thường bỏ qua một yếu tố quan trọng (một thứ tưởng như không liên quan gì đến các chuyện kinh doanh): sự sáng tạo.


Nuôi dưỡng sự sáng tạo cũng là cách duy nhất để tự xây dựng được một tư duy chiến lược đồng thời áp dụng những kỹ năng kinh doanh theo các cách thức mới và tạo ra tác dụng tích cực với toàn bộ doanh nghiệp của bạn. Dưới đây là 10 lời khuyên để giúp bạn giải phóng sự sáng tạo trong công việc

1. Cụ thể hóa những ý tưởng.

Hãy bỏ qua nhiệm vụ cá nhân, vai trò hay vị trí của từng người trong nhóm để cùng nhau sáng tạo ra các ý tưởng. Việc hình dung thật cụ thể những thông tin hoặc các sáng kiến là một cách để làm việc nhóm hiệu quả.

Hãy tắt điện thoại, cùng nhau đi vào một phòng kín (một căn phòng ảo cũng được) và vẽ ý tưởng của bạn lên một tấm bảng trắng cho đến khi chúng chật kín.



2. Vứt bỏ các quy tắc.

Khi bắt đầu một buổi brainstorm, hãy để cho mọi người được tự do xây dựng, phát biểu ý tưởng hết mức có thể. Không có gì là chắc chắn; không có gì là không thể. Hãy hạn chế dùng các từ và cụm từ như "nhưng", "làm thế nào chúng ta có thể" hay "chúng ta không thể." Lúc cần thiết, bạn hoàn toàn có thể chỉ định một người giám sát việc này và buộc tất cả mọi người phải tuân thủ.

3. Đi ngược đường

Ngay bây giờ hãy xác định mục tiêu hoặc viễn cảnh lý tưởng của bạn cho 10 đến 15 năm tới. Sau đó, hãy nhìn lại một lượt và xác định ra những công việc phải làm. Đừng lo lắng về việc " bạn nên làm thế nào" mà hãy tập trung vào "bạn sẽ làm cái gì để đạt được mục tiêu của mình”. Và tự nhiên bạn sẽ tìm ra được con đường để đi tới đích.

4. Khởi động não bằng các trò chơi sáng tạo

Lần tới, trước khi bắt đầu cuộc họp hãy tổ chức một trò chơi để kích thích mạch sáng tạo của mọi ngừoi. Đơn giản nhất là bạn yêu cầu họ viết ra một ý tưởng ngẫu nhiên, vò chúng lại rồi bày ra giữa bàn.Sau đó, chọn ngẫu nhiên một ý tưởng để cùng nhau phát triển ý tưởng đó. Hoặc bạn có thể đổi vai trò bằng cách hỏi những người trong nhóm, "Nếu bạn là tôi, bạn sẽ giải quyết vấn đề này thế nào?"

5. Ghi lại tất cả mọi thứ.

Hãy biết tận dụng mọi suy nghĩ, ý tưởng dù là nhỏ nhất bởi vì biết đâu đấy có ngày chúng sẽ là những sáng kiến vĩ đại có ích cho doanh nghiệp của bạn. Bạn đâu thể có lường trước được điều gì xảy ra trong tương lai, một từ hay cụm từ nào có thể châm ngòi cho một ý tưởng hay ho nào đấy. Vì thế hãy viết mọi thứ ra giấy. Tìm một chỗ nào đó và gắn chúng lên giống như một tấm bảng trắng hoặc một bức tường trống cũng được.

6. Refresh tinh thần.

Rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng truyền thông xã hội và các trang mạng xã hội ngày này chỉ gây mất tập trung và làm lãng phí thời gian của họ. Họ đã không nhận ra rằng chúng có tác dụng giải trí về mặt tinh thần rất lớn và giúp thúc đẩy sự phát triển khả năng sáng tạo.

Bạn làm sao có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo của mình trong một bộ não suốt ngày mệt mỏi, kiệt quệ. Chính vì vậy, hãy luôn khuyến khích nhân viên của mình dành thời gian nghỉ ngơi để “refresh” lại tinh thần, tăng khả năng sáng tạo trong công việc.

7. Tận hưởng những phút giây thoải mái

Chúng ta vẫn thường dành cả ngày làm việc trong văn phòng. Tuy nhiên, bạn có biết rằng nếu bạn ra ngoài tận hưởng không khí và uống một chút rượu, bia hay đồ uống có cồn cũng có thể giúp ích cho việc sáng tạo không?

Khoa học cũng đã chứng minh rằng uống bia có thể giúp giảm stress, quên đi những ý nghĩ tiêu cực và kích thích não bạn sáng tạo các ý tưởng mới . Vì thế nên, lần tới khi cần brainstorm, hãy tìm đến một không gian thật sự thoải mái rồi bắt tay vào công việc.

8. Tập thể thao.

Tham gia vào một hoạt động thể chất có thể giúp phát triển tư duy sáng tạo, đặc biệt nếu công việc của bạn chủ yếu là ngồi yên một chỗ. Hãy ra ngoài chạy bộ, đi bộ, đạp xe hoặc tập bất cứ môn thể thao nào phù hợp với bạn. Những hoạt động này sẽ có tác dụng làm thư giãn tâm trí để sau đó với một bộ não tươi tỉnh, bạn có thể giải quyết một vấn đề hoặc nghĩ ra bất kỳ ý tưởng mới nào. Và thậm chí cảm hứng có thể đến ngay lúc bạn đang chạy bộ trong công viên.

9. Tận dụng các thế mạnh của mình

Mọi người thường lầm tưởng rằng sự sáng tạo chỉ có ở một số người mà công việc và kĩ năng của họ yêu cầu sự sáng tạo và phần còn lại của dân số là những người chỉ biết đến những phân tích khô khan.

Nhưng thực tế thì mọi kỹ năng đều có thể được vận dụng một cách sáng tạo. Bạn có phải là một người giỏi Excel không? Nếu có, hãy thể hiện ý tưởng của mình trên một trang bảng tính, rồi phân tích, mổ xẻ các số liệu và xem xem bạn có thể phát triển ý tưởng đó như thế nào nhé.

10. Khởi động bộ não.

Dù là làm một mình hay theo nhóm, thì phần khó nhất của một buổi họp brainstorming là làm thế nào có thể khởi động được não bộ và nảy ra các ý tưởng sáng tạo. Cách đơn giản nhất để vượt qua được giai đoạn này là hãy nói chuyện cùng nhau hoặc cùng viết ra các suy nghĩ của mình. Bạn có thể ghi lại mọi thứ ra giấy, ngay cả khi chúng nghe có vẻ ngu xuẩn đến mức khó chấp nhận. Tất cả những điều bạn cần làm là hãy cố gắng vượt qua trở ngại ban đầu, rồi tự nhiên những ý tưởng sẽ bắt đầu tuôn chảy.


Sưu tầm


3 YẾU TỐ CẦN THIẾT ĐỂ PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO TRONG CÔNG VIỆC


Chúng ta thường nghĩ sáng tạo là một khả năng rất khó điều khiển - bởi khoảnh khắc "Ơ rê ca!" ấy có thể chợt loé lên trong đầu bạn bất cứ lúc nào, khi đang ở trong phòng tắm hoặc khi đang lái xe. Và sau khi mọi công ty đã nếm trải cả thành công hay thất bại trong quá trình cố gắng phát minh ra một thứ gì đó, sáng tạo vẫn chỉ là thứ bạn chỉ nhận ra khi nó đã đến rồi.


Tuy nhiên, nếu bạn xem xét các lý thuyết khoa học đằng sau những ý tưởng sáng tạo thì bạn có thể biết cách tạo ra sự sáng tạo và sử dụng chúng để đem lại lợi ích cho công ty của bạn.



YẾU TỐ 1: SỰ TÒ MÒ

Đây là một yếu tố gần như tất cả các thiên tài sáng tạo đều có. Albert Einstein đã từng viết: "Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Đơn giản là tôi chỉ tò mò với mọi thứ trên đời”, và trong tiểu sử của Leonardo da Vinci, tác giả Peter J. Gelb kết luận rằng gốc rễ sự vĩ đại của Da Vinci là "hành trình không ngừng nghỉ cho sự nghiệp học tập" của ông.

Marcial Losada - một nhà tâm lý học, đồng thời là chuyên gia về động lực nhóm phát hiện ra rằng nhóm làm việc hiệu quả nhất là nhóm có tỷ lệ đặt câu hỏi cao hơn so với nhóm chỉ chăm chăm bảo vệ quan điểm. Ví dụ, nếu ai đó đưa ra ý tưởng về một chiến dịch marketing mới, một người thuộc nhóm đặt câu hỏi sẽ hỏi rằng "Bạn nghĩ trong bao lâu chúng ta có thể khởi động chiến dịch này?" Ngược lại, nếu anh ta/cô ta thuộc nhóm bảo vệ quan điểm thì sẽ ngay lập tức phát biểu rằng: "Có lẽ phải mất ba tháng mới có thể cho ra mắt sản phẩm". Qua đó có thể thấy, phương thức đơn giản nhất để khơi dậy tính sáng tạo trong môi trường làm việc là khuyến khích các nhân viên của mình tích cực đặt câu hỏi nhiều hơn.

YẾU TỐ 2: TƯ DUY CỞI MỞ

Losada đã phát hiện ra rằng những nhóm thành công thường quan tâm nhiều đến các nhân tố khách quan hơn là chủ quan, có nghĩa là họ sẵn sàng chấp nhận quan điểm ngoài lề. Vì vậy, thay vì tập trung vào bản thân, họ có xu hướng mở rộng sự chú ý ra bên ngoài, bằng cách hợp tác và học hỏi từ những gì người khác đang làm.

Trong cuốn sách "Steal like an artist", Austin Kleon - nhà văn kiêm họa sĩ đã từng nói, "Tất cả các tác phẩm sáng tạo đều được sáng tác dựa trên những thứ sẵn có." Đây là một quan điểm rất có lý. Thông thường, sự sáng tạo thoạt tiên xuất phát từ việc kết hợp, xây dựng và phát triển ý tưởng. Các cá nhân và công ty có thể sáng tạo hơn chỉ đơn giản bằng cách nhìn nhận thế giới một cách cởi mở, tiếp thu kinh nghiệm và ý tưởng mới sau đó quyết định những gì đáng để "lấy cắp".

YẾU TỐ 3: SỰ TÍCH CỰC.

Một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng cảm giác hạnh phúc có được ở môi trường làm việc khiến người ta làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng người ta sẽ phát huy tính sáng tạo nhiều hơn khi họ cảm thấy hạnh phúc và tự tạo động lực từ bên trọng.

Tiến sĩ David Logan, tác giả của cuốn “Tribal Leadership”, chỉ ra rằng hoạt động nhóm sẽ hiệu quả hơn khi chuyển từ suy nghĩ "Tôi tuyệt vời" thành "Chúng tôi tuyệt vời". Và cuối cùng, bạn sẽ có được "một cuộc sống tuyệt vời." Thái độ tích cực này sẽ làm quan điểm sống của bạn trở nên cởi mở và giúp tăng cường khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.

Với các bằng chứng kể trên, làm thế nào các công ty có thể tạo động lực cho nhân viên của mình và khơi dậy khả năng sáng tạo trong họ? Dưới đây là một số phương pháp để trau dồi ba yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo trong đội ngũ nhân viên ở công ty bạn:

TỔ CHỨC CÁC BUỔI ĂN TRƯA KẾT HỢP VỚI VIỆC TÌM HIỂU.
Khám phá những kỹ năng và niềm đam mê khác thường của mỗi nhân viên bằng cách tổ chức các buổi ăn trưa hàng tháng, cho phép họ chia sẻ những kiến thức về nấu nướng hay tình yêu dành cho xe đạp cổ. Nhân viên của bạn sẽ học được một vài điều mới mẻ đồng thời xây dựng được những mối quan hệ gắn bó hơn với các đồng nghiệp khác khi họ khám phá ra những sở thích chung giữa họ.

ĐẦU TƯ VÀO VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN VIÊN.

Khả năng đặt câu hỏi, hay sự quan tâm tới những người khác và duy trì sự tích cực là những kỹ năng hoàn toàn có thể đào tạo được. Việc đào tạo nhân viên từ những ví dụ thực tế trong công việc và đời sống hàng ngày có thể cung cấp cho nhân viên của bạn những công cụ, bài học hữu ích mà họ ngay lập tức có thể áp dụng với khách hàng và đồng nghiệp.

CẢI TIẾN CHƯƠNG TRÌNH HỌP.


Nếu nhóm của bạn tổ chức họp thường xuyên, hãy tạo một vài thay đổi đơn giản nhưng có thể mang lại hiệu quả cho chương trình họp. Mở màn cuộc họp bằng một tin tốt sẽ tạo nên sự tích cực cho nhóm của bạn. Khi thảo luận về các vấn đề, hãy đặt ra năm "câu hỏi tại sao" để giúp nhân viên nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, và hiểu được nguyên nhân của vấn đề. Để khuyến khích việc quan tâm tới người khác nhiều hơn, hãy yêu cầu người tham gia họp thừa nhận và nói lời cảm ơn khi mà các thành viên khác báo cáo tiến độ và những thành quả mà họ đạt được .


TẠO NHỮNG KHOẢNG THỜI GIAN SÁNG TẠO.

Google nổi tiếng với chính sách "20% thời gian" (nhân viên được dành một ngày làm việc để tham gia vào các dự án khác); Facebook được biết đến với cuộc thi hackathons (một cuộc thi lập trình diễn ra trong thời gian ngắn). Vào thời điểm thích hợp, hãy cho nhân viên thời gian để họ thực hiện các dự án mình thích để nuôi dưỡng sự tò mò. Ví dụ, các nhân viên có thể tự do tham dự Sự kiện Startup Weekend (Ngày hướng nghiệp khởi nghiệp) để họ có thể tìm thấy cảm hứng sáng tạo cho riêng mình.

HỎI Ý KIẾN TỪ CÁC NHÂN VIÊN

Bạn không chắc về việc phương pháp nào có thể khuyến khích sự sáng tạo cho nhân viên một cách hiệu quả? Hãy hỏi họ về điều này. Nhưng chắc chắn là nhóm bạn sẽ có những gợi ý tuyệt vời cho việc giải quyết vấn đề này.

Đừng chờ đợi những ý tưởng bất chợt đến trong phòng tắm. Bạn hoàn toàn có thể tạo ra những đột phá sáng tạo, chỉ cần khai thác sức mạnh của sự tò mò, hướng đến những người khác và nuôi dưỡng một thái độ tích cực tại công ty của bạn. Và bạn sẽ sửng sốt trước kết quả mà những phương pháp này mang lại.

Sưu tầm